Việt Nam đã thông qua luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.
Hãy cùng ICAFAS điểm qua 03 điểm quan trọng mà người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài cần lưu ý nếu đang có ý định về Việt Nam thuê mua nhà ở hay kinh doanh bất động sản.
Một, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền được thuê mua nhà ở, kinh doanh bất động sản như công dân Việt Nam trong nước theo các hình thức:
– Đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.
– Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
– Mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.
– Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê.
– Thuê nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng để cho thuê lại.
– Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để cho thuê lại.
– Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản để tiếp tục đầu tư xây dựng, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng sẽ giữ nguyên chính sách hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
Hai, theo quy định mới tại khoản 5 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 về đặt cọc trong mua bán nhà ở, để đảm bảo quyền lợi và hạn chế rủi ro cho người mua, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán.
Ba, về thanh toán, nếu bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên bán không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua.
Như vậy, kể từ năm 2025, người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài đã có thể sở hữu nhà ở, đầu tư bất động sản trong nước dễ dàng hơn, cũng như việc đặt cọc, thanh toán được đảm bảo theo hướng có lợi cho bên mua nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
Xem thêm tại: https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1173/78690/quoc-hoi-thong-qua-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-sua-doi.aspx
[…] một số thủ tục hành chính (đăng ký thường trú, chuyển nhượng tài sản/đất đai,…) tại Việt Nam mà passport hết hạn khi hồ sơ chưa được xử lý xong, bạn […]