Hỏi: Tôi là người nước ngoài có nguồn gốc Việt Nam (có giấy khai sinh tại Việt Nam). Hiện tôi muốn mua lại một căn hộ chung cư tại Việt Nam từ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại một lô căn hộ từ chủ đầu tư) thông qua hình thức ký văn bản chuyển nhượng (hợp đồng mua bán căn hộ với doanh nghiệp này).
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp trên chuyển văn bản chuyển nhượng và hồ sơ của tôi cho chủ đầu tư để được xác nhận thì bị từ chối. Chủ đầu tư giải thích do là vì pháp lý về người gốc Việt được sở hữu căn hộ tại Việt Nam chưa rõ ràng, chỉ được mua chứ không được nhận chuyển nhượng căn hộ lại từ doanh nghiệp.
Tôi xin hỏi, trường hợp tôi đã có Giấy khai sinh tại Việt Nam thì có phải xin thêm Giấy xác nhận là người gốc Việt nữa không? Vì chủ đầu tư không duyệt hồ sơ của tôi khi chỉ có Giấy khai sinh tại Việt Nam, đồng thời yêu cầu tôi phải làm thủ tục để được cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt. Theo họ như vậy mới đủ căn cứ chứng minh tôi là người gốc Việt.
Vậy chủ đầu tư không xác nhận vào văn bản chuyển nhượng với lý do nêu trên có đúng không? Tôi có được phép mua căn hộ từ doanh nghiệp trên bằng văn bản chuyển nhượng không?
Ngoài ra, tôi cũng muốn hỏi thêm rằng việc cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà cho người gốc Việt hiện có gặp khó khăn gì không? Trường hợp tôi nhận chuyển nhượng lại căn hộ từ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như trên thì có được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở không? Thời hạn sở hữu là bao lâu?
Trả lời::
Tại Điều 7 Luật Nhà ở 2014 có nêu quy định các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài (theo quy định tại Khoản 1, Điều 159 Luật Nhà ở).
Khoản 3, Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Theo đó, với cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận gốc Việt Nam, nếu muốn xác định quyền sở hữu nhà ở thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài.
Về giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bà Trinh có thể tham khảo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
Để biết về quyền của chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bà Trình có thể tham khảo quy định tại Điều 10 Luật Nhà ở 2014. Còn quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định tại Điều 161 Luật Nhà ở 2014.
Từ các khúc mắc của Đặng Hoài Mỹ Trinh, Bộ Xây dựng đề nghị bà đối chiếu trường hợp cụ thể của mình với quy định của pháp luật nêu trên và các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong quá trình thực hiện, nếu bà Trình có vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận, mời bà liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
Hỏi: Tôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nay muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở tại Tp.HCM từ một cá nhân người Việt Nam (tài sản không thuộc dự án nhà ở thương mại).
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn vay vốn ngân hàng tại Việt Nam để mua nhà. Người bán nhà cho tôi cũng đã thuê dịch vụ bảo đảm cho tôi mua và thế chấp chính quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở này.
Vậy xin hỏi, tôi có nằm trong số đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở như nêu trên không? Tôi có được phép sử dụng chính quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở này để thế chấp tại ngân hàng hay không?
Trả lời:
Điều 159, 160, 161 và 162 Luật Nhà ở năm 2014 có nêu rõ các quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Còn tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai nêu các quy định về quyền được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Đối với các trường hợp sở hữu nhà ở không thuộc các dự án phát triển nhà ở thì chủ sở hữu chỉ được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 186 Luật Đất đai cũng nêu quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, được thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Hỏi: Tôi là Việt kiều, đang mang quốc tịch Mỹ. Tôi có mua một căn hộ chung cư tại Tp. HCM vào năm 2016, tuy nhiên khi đó tôi mua với tư cách là người nước ngoài vì chưa có giấy tờ chứng mình là người gốc Việt Nam.
Đầu năm ngoái, tôi được cấp Giấy chứng nhận sở hữu căn hộ với thời hạn là 50 năm. Hiện tại, tôi đã tìm lại được giấy tờ cá nhân và được cơ quan Ủy ban Việt kiều của Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam.
Đối với căn hộ đã mua, tôi muốn được làm thủ tục chuyển đổi sang tư cách là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đồng thời chuyển đổi thời hạn sở hữu nhà ở từ 50 năm thành sở hữu không có thời hạn. Xin hỏi như vậy có được không? Và tôi phải làm thủ tục như thế nào, đến cơ quan nào nộp hồ sơ?
Trả lời:
Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ có nêu quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Cụ thể: “Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có giấy tờ chứng minh đối tượng theo quy định tại Điều 74 của Nghị định này; trường hợp cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài để xác định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam”.
Theo nội dung câu hỏi mà ông Joseph Nguyen Ly đề cập ở trên, ông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thời hạn sở hữu là 50 năm. Về nhu cầu muốn thay đổi các nội dung trên Giấy chứng nhận, trong đó có thay đổi thời hạn sở hữu, ông có thể nộp hồ sơ tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.